Có rất nhiều trường đại học để lựa chọn, tại rất nhiều quốc gia khác nhau. Mỗi nước có 1 thế mạnh đào tạo riêng biệt: Anh Quốc với thế mạnh đào tạo chuyên sâu về học thuật, môi trường của Mỹ rất năng động, Thụy Sĩ nổi bật với thế mạnh đào tạo lí thuyết đi đôi với thực hành...
Vậy bạn cần làm gì để có lựa chọn tốt nhất cho mình? Bên cạnh yếu tố điểm đầu vào và ngành bạn muốn theo học, hãy làm theo những bước The Guardian gợi ý dưới đây.
1. Tìm hiểu trực tuyến
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về địa điểm, khóa học của các trường thông qua website hay mạng xã hội, hoặc bạn có thể tìm kiếm thông tin từ một công ty Du học uy tín, những người sẽ tư vấn cho bạn khóa học phù hợp nhất. Sau khi lựa chọn một nhóm trường hợp lý, bạn có thể trò chuyện trực tiếp với đại diện trường tại Việt Nam, với giáo viên của trường, thậm chí CEO của trường nếu "chịu khó" lùng sục các thông tin hội thảo và tham dự các buổi gặp gỡ, triển lãm du học. Bạn sẽ ngạc nhiên vì rút được kinh nghiệm kha khá sau mỗi hội thảo / triển lãm đấy.
2. Xem xét cấu trúc khóa học
Hãy tìm hiểu thật kỹ cách bạn sẽ được dạy và đánh giá. Thông tin cần thiết bạn nên tìm hiểu như: khóa học có nhiều bài kiểm tra, bài tiểu luận hay bài tập nhóm không, nội dung khóa học như thế nào. Thais Cardon, sinh viên đang nghiên cứu về văn học Anh ở Đại học Exeter (Anh), chia sẻ đã rất hối hận khi không xem kỹ danh sách tác phẩm sẽ học trước khi vào trường và cô ấy không muốn các bạn cũng rơi vào trường hợp tương tự.
3. Tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, ngày hội mở của trường
Tom Holland, lãnh đạo một bộ phận tại trường Blackpool Sixth Form College, khuyên học sinh nên tới thăm các đại học trước khi đưa ra lựa chọn. "Bất kỳ quyết định cuối cùng nào đều dựa trên cảm giác của bạn trong ngày tới thăm trường", ông Tom nói.
Người này cũng đề nghị học sinh đến thăm trường ít nhất hai lần nếu đủ khả năng chi trả phí đi lại. Khi đến, hãy nói chuyện với càng nhiều người càng tốt, đi thăm thú khu vực xung quanh trường học. Nếu có thể, hãy rủ một người thân đi cùng để có những góp ý khách quan.
4. Đặt câu hỏi
Khi nói chuyện với nhân viên hay sinh viên của trường, dù là trực tuyến hay trực tiếp, bạn nên đặt nhiều câu hỏi. Hãy hỏi ý kiến và suy nghĩ của họ về trường, hỏi về cuộc sống bên ngoài trường đại học, cơ hội khi tham gia khóa học và sau khi ra trường. Khi hỏi, hãy yêu cầu họ đưa ra minh chứng cụ thể về sinh viên khóa trước.
5. Quan tâm vị trí của trường
Vị trí của trường đại học cũng nên được xếp là một trong những tiêu chí. Hãy nghĩ xem bạn thích một ngôi trường ở trung tâm thành phố hay ở vùng ngoại ô yên tĩnh, sau đó tìm hiểu về nơi ở trong những năm đại học, từ vị trí tới giá cả.
6. Tìm hiểu những thứ ngoài bài giảng
Bạn sẽ là sinh viên của trường ít nhất bốn năm. Vì vậy, hãy tìm hiểu cả những gì được cung cấp bên ngoài chương trình giảng dạy như câu lạc bộ ngoại khóa ở trường, tham gia đội bóng... Lý tưởng nhất là chọn được ngôi trường có những hoạt động phù hợp với sở thích của bạn bên cạnh bài giảng chất lượng.