“Nếu bạn là người Phần Lan, bạn đã trúng số”, S.Nygard, một giảng viên đại học ở Helsinki vừa ru đứa con nhỏ đang ngủ trên tay vừa bình thản nói.
Hưởng thả dàn, đóng thuế hết ga!
Như những người dân Phần Lan khác, cả Nygard và cô vợ Sirelius đều không phải trả một xu học phí nào ở đại học, dù họ tốn hết 7 năm mới hoàn thành nó. Sirelius cũng được chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí trong suốt thời gian mang thai và sinh con. Đến khi đứa trẻ chào đời, cô nghỉ làm cả 11 tháng mà không phải bận tâm gì nhiều vì chính phủ có nhiệm vụ trả đến 60% lương tháng cho cô. Năm tới, hai vợ chồng sẽ tha hồ lựa chọn giữa các nhà trẻ sử dụng tiếng Phần Lan, Thụy Điển, Anh hoặc Tây Ban Nha để gửi con, còn chính phủ thì tha hồ… trả 4/5 chi phí. Trong trường hợp bị mất việc, trợ cấp thất nghiệp của họ trong suốt 18 tháng sẽ bằng 70% lương toàn phần. Đến khi nghỉ hưu, hai vợ chồng cũng sẽ không phải lo lắng gì nhiều vì lương hưu trung bình của một người Phần Lan bằng khoảng 60% thu nhập trong những tháng cuối cùng họ còn đi làm.
Tất nhiên, chuyện gì cũng có cái giá của nó. Để được hưởng một chính sách bảo trợ xã hội dễ chịu đến như vậy, người Phần Lan phải đóng thuế thu nhập thuộc loại cao nhất thế giới. Với Sirelius chẳng hạn, nếu tiếp tục đi làm bình thường sau thời gian nghỉ hộ sản, cô sẽ phải trả 45% thu nhập cho sở thuế. Nhưng cô không chống lại điều này: “Tôi thấy rằng đó là cách để xã hội vận hành trôi chảy. Hệ thống phúc lợi của nhà nước không thể hoạt động được nếu mỗi người không góp phần”.
>> Xem thêm: Du học Hà Lan học bổng lên tới 100% học phí, chi phí thấp, visa đơn giản
>> Xem thêm: Du học Đức bằng tiếng Anh – học viện Freshman
>> Xem thêm: Du học Canada không chứng minh tài chính
Bí quyết thành công
Phần Lan là quê hương của Nokia, hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới. Nokia có nhà máy ở 10 nước và trung tâm R&D ở 15 nước.
Đóng phạt dựa trên thu nhập là một trong rất nhiều chính sách nhằm tạo sự công bằng xã hội của Phần Lan. Chính vì thế, doanh nhân nổi tiếng J.Salonoja từng bị phạt đến 217.000 USD chỉ vì chạy xe quá tốc độ. “Tội” của ông ta là kiếm đến 8 triệu USD/năm.
50 năm trước, chẳng mấy ai biết đến cái tên Phần Lan, một miền đất xa xôi hẻo lánh nằm bên rìa thế giới chỉ có những người nông dân lam lũ, những anh tiều phu ít học. Nhưng đó là chuyện của 50 năm về trước. Ngày nay, Phần Lan liên tục được đánh giá là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, là nơi người dân có học thức cao nhất trong khối các nước công nghiệp và là quốc gia sở hữu một hệ thống phúc lợi tạo ra một trong những xã hội bình đẳng nhất hành tinh này. Bí quyết ? Phần Lan có lẽ là một ngoại lệ ở châu Âu với một xã hội đồng nhất, trong đó cộng đồng thiểu số chỉ chiếm 6% và tỷ lệ dân nhập cư rất thấp. Nhưng nhiêu đó không đủ làm nên sự thành công. Nghiên cứu của Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) cho thấy người dân đất nước lạnh giá này có một nền giáo dục tốt nhất thế giới.
Chú trọng đặc biệt cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) là một yếu tố khác làm nên câu chuyện thành công của Phần Lan, đất nước chi đến 3,6% GDP cho R&D, tức cao thứ nhì châu Âu, chỉ sau Thụy Điển. Số tiền chi cho R&D vẫn ở mức cao ngất ngưởng ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất, khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra hồi đầu thập niên 90.
Theo web.thanhnien.com.vn