“Đánh giá thành tích, thay vì những con số đỗ tốt nghiệp “cao chót vót”, có lẽ nên căn cứ vào số lượng HS bị lập biên bản vì gian lận trong kỳ thi, về số cán bộ làm việc thiếu nghiêm túc và tinh thần trach nhiệm bao che cho thí sinh bị kỷ luật…”. Bạn Quốc Khánh, một SV đang học tại London “mấy ngày qua, theo dõi rất sát các bài báo về tình hình kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam và có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ”.
Lật lại các trang báo của mùa thi năm 2005, 2004 hay 2003 hay xa hơn nữa, các câu chuyện đều giống nhau mà chủ yếu xoay quanh hai mảng đối lập.
Một bên, các nhà chức năng khẳng định “kỳ thi năm nay diễn ra nghiêm túc, an toàn”, các hội đồng thi phản ánh “Kỳ thi năm nay diễn ra nghiêm túc hơn năm ngoái, không có trường hợp nào bị lập biên bản”.
Còn bên kia, các sỹ tử khi ra khỏi phòng thi háo hức kháo nhau “gặp may, giám thi hiền nên quay được,” phao vẫn rải ở sân trường, hộc bàn thi thì rải đầy tài liệu, tuồn đề từ trong ra, đưa bài từ ngoài vào…
Hiện tượng chéo chiều này bắt đầu từ đâu? Và có thể “gỡ”?
Nghiêm túc từ bài thi 15 phút
Tôi vẫn nhớ ngày nhận điểm tốt nghiệp cấp II, một cậu bạn khoe mình được 9 điểm Văn mặc dù nếu có hỏi cậu ấy đọc lại đoạn thơ đề yêu cầu bình luận, cậu ấy cũng không nhớ nổi. Đơn giản là vì cậu quay được bài. Còn tôi, một HS đi thi HS giỏi văn thì nhận điểm 7… Nghĩ cũng cay cú lắm! Vậy là tôi tự nhủ, lần sau đi thi sẽ mang theo tài liệu phòng thân. Tôi chưa bao giờ lo mình không làm được bài, nhưng tôi lo nếu không mang theo tài liệu, khi các giám thi cho thí sinh quay cóp, tôi sẽ bị thiệt vì dù học nhiều đến mấy, tôi không thế “nhớ” nhiều bằng sách, nhất là trong các môn khoa học xã hội và học thuộc lòng. Tôi chắc rằng, không có ít HS bị sức ép như tôi.
Chúng ta mới chỉ nói và quan tâm đến chuyện quay cóp tại các kỳ thi lớn. Nhưng, có lẽ nên bắt đầu từ những bài kiểm tra 15 phút, một tiết hay thi học kỳ tại tất cả các trường, các lớp trong năm. Kỷ luật và sự nghiêm túc cũng là một kỹ năng, một đức tính cần được rèn luyện, gọt rũa.
Ra đề: Có “phao” cũng bất lực
Các đề thi và kiểm tra vẫn chủ yếu được ra theo kiểu vụn vặn, yêu cầu học thuộc nhiều hơn là tư duy logic sang tạo. Nếu đề thi được viết theo cách yêu cầu tư duy, tổng hợp thì có mang tài liệu, HS cũng khó có thể quay cóp.
Khi còn học tại trường dân lập Lương Thế Vinh – Hà Nội, giờ kiểm tra giáo dục công dân của cô Việt, giờ kiểm tra địa của cô Hằng, chúng tôi được dùng tài liệu. Nhưng quả thực, có mang sách cũng không biết quay ở đâu vì đơn giản là đề kiểm tra không có câu trả lời sẵn.
Tương tự như vậy, khi học ĐH, đa phần các môn học để được thi theo kiểu mang tài liệu hoặc vấn đáp nên nạn quay cóp ít hẳn. Những HS “học thật” như chúng tôi không cảm thấy bị thua thiệt và tự tin khi bước và kỳ thi. Với những ví dụ trên, tôi không có ý định gợi ý rằng các kỳ thi tốt nghiệp hay ĐH nên được tổ chức theo kiểu này.
Điều tôi muốn nói là: cách thức ra đề, kiểm tra có thể hạn chế được phần nào nạn quay cóp, gian lận.
Bệnh thành tích và trách nhiệm của nhà chức năng
Chúng ta nghe và đọc nhiều trong mấy ngày qua về việc công an, giám thị hỗ trợ bao che cho việc quay cóp. Một trong những nguyên nhân chính của tệ nạn này, theo ý kiến cá nhân tôi, là do bệnh thành tích.
Các thầy cô giáo chịu rất nhiều sức ép từ xã hội và đặc biệt là từ cấp trên về thành tích của HS Và các hiệu trưởng cũng chịu những sức ép tương tự từ phòng giáo dục, từ chính quyền địa phương.. Cứ như vậy, lên đến tận cấp bộ.
Ngay ông Phó Chánh Thanh tra Giáo dục – Bộ GD – ĐT cũng tuyên bố “nếu ngành giáo dục làm chặt thì có thể tỷ lệ tốt nghiệp của HS tụt đi với tỷ lệ cách biệt so với năm trước thì lãnh đạo tỉnh lại có ý kiến đối với ngành”.
Vì muốn lập thành tích với cấp trên, các thầy cô buộc phải dạy thêm cho HS, hoặc mớm đề kiểm tra trước ngày thi cử, hoặc chấm điểm nhẹ nhàng cho các em.
Cũng vì muốn lập thành tích với cấp trên, cả hệ thống công an, chính quyền đã phối hợp để tạo điều kiện cho thí sinh quay bài, làm nhiệm vụ “canh gác, báo động thanh tra” hơn là canh gác thí sinh.
Đằng sau các con số của các bản báo cáo, đâu là những con số thực, đâu là những con số ảo?
Chúng ta vẫn luôn nói đến thế mạnh của VN là nguồn nhân lực. Nhưng chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám đánh giá đúng chất lượng thực tế của nó. Không khắc phục điều này chúng ta và chính các thế hệ sau sẽ hứng chịu những hậu quả lâu dài. Nếu còn tự lừa dối mình về trình độ của con em mình, làm sao có thể thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu?
Lại bàn về trách nhiệm
Trái với những lúc nhận thành tích, khi có sự việc diễn ra, trách nhiệm được đẩy hết cho cấp này, hay cấp kia…Cuối cũng, không ai đứng ra nhận trách nhiệm.
Nếu dám nhìn thẳng và thực tế, có lẽ đã đến lúc dừng đổ lỗi cho ngành giáo dục khi tỷ lệ tốt nghiêp không đạt 90% hay 100%. Đánh giá thành tích, có lẽ nên căn cứ vào số lượng HS bị lập biên bản vì gian lận trong kỳ thi, về số cán bộ làm việc thiếu nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm bao che cho thí sinh bị kỷ luật…Như thế, có lẽ kỳ thi năm sau sẽ trở nên nghiêm túc hơn.
Tôi vẫn băn khoăn tự hỏi mình không biết nên buồn hay nên vui trước kết luận của ngành giáo dục về tình hình thi tốt nghiệp THPT năm nay: “Diễn ra bình thường, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng quy chế, an toàn”?
Quốc Khánh, 25 tuổi – London 3/6/2006
(Theo VNN)